Grandpa - Ông nội tôi, nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh
Nếu nhà bạn có quyển tiểu thuyết được dịch trong những năm 1990 - 2010 nào với tên dịch giả là “Anh Thư”, đó là ông nội tôi đấy.
Từ khi tôi sinh ra, bút danh của ông tôi đã không còn là “Xuân Oanh” mà trở thành “Anh Thư”. Tôi trở thành dịch giả từ khi tôi chưa biết chữ. “Tôi” đã dịch những tiểu thuyết của Sidney Sheldon, bộ truyện tranh nổi tiếng của Pháp, “Asterix”, và nhiều tác phẩm mà tôi còn chưa đọc. “Tôi” cũng đã dịch nhiều tài liệu tiếng Việt, bài thơ tiếng Việt, sang tiếng Anh và được xuất bản ở một số nước. “Anh Thư” là một dịch giả say mê và làm việc đến cuối đời.
Dịch giả “Anh Thư” tên thật là Đỗ Xuân Oanh. Bạn có thể thấy gần gũi hơn nếu như tôi nói ông nội tôi là tác giả của bài hát “Mười chín tháng Tám”. Đây là bài hát được biết đến nhiều nhất của ông. Đó là ngày 19/8/1945, ngày đánh dấu Cách mạng tháng Tám thành công. Ông nội tôi khi ấy là một chàng trai 23 tuổi, sáng tác bài hát này với cảm xúc chiến thắng khi hòa trong đoàn người tiến vào Hà Nội.
“Mười chín tháng Tám” chỉ là sự khởi đầu của ông nội tôi. Về âm nhạc, ông tôi còn có những bài hát khác. “Quê hương anh bộ đội”, “Gọi thu” là một vài bài mà tôi nghĩ bạn nên tìm nghe.
Quê hương anh bộ đội do ca sĩ Mỹ Linh thể hiện, trong chương trình "Điều còn mãi" (năm 2012)
Về sự nghiệp chính trị, ông tôi đã trở thành một nhà ngoại giao. Ông đã làm công việc này với tinh thần của một người nghệ sĩ, ông tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới từ những bài hát, những bản giao hưởng, những bức tranh mang tính chất ngoại giao và yêu hòa bình. Ông đã đi rất nhiều nước để kêu gọi ủng hộ cho Việt Nam, đã tham gia đoàn Việt Nam trong những lần đàm phán ký kết Hiệp định Paris và những sự kiện quan trọng khác.
Đó là một nhân vật Xuân Oanh nếu bạn search google.
Nhân vật đó cũng không quen thuộc với tôi.
Ông nội của tôi là một người ông đặc biệt, ở chỗ, ở tuổi 87, ông chọn mặc quần jeans và đội mũ lưỡi trai ra đường. Khi đi đường ông sẽ huýt sáo một bài hát nào đó có nội dung kiểu như là “trời thật là đẹp và cô em trước mắt ta thật là mốt”. Khi về nhà, ông sẽ tự nấu Spaghetti Bolognese ăn, tất nhiên là kèm cả cà chua bi sống và pho mai bào. Trong tủ lạnh của ông luôn có Kit Kat, Pringles và Mars. Mặc dù pho mai bào có thể quá đát nhưng không bao giờ đối với Kit Kat, Pringles hay Mars. Hệ thống âm thanh trong nhà ông phải là công nghệ mới. Trên bàn làm việc luôn có một cuốn sách đang mở và đang được dịch. Tủ sách của ông được sắp xếp cực kỳ thích mắt và mang màu sắc “vintage” hợp thời trang. Mùi thuốc lá của ông không đượm mùi chuyện phiếm vỉa hè hay mồ hôi, mà đượm mùi sách cổ.
Đây là nhân vật tôi muốn kể với bạn.
Ông nội gọi tôi là “darling number one” (cô nàng ông yêu thương nhất). Có lần, giở tủ lạnh, tôi reo lên, “Hôm nay ông có nhiều Pringles thế này!”, ông nói, “Có gì ngon ông đều để phần cho cháu. Cháu là ‘darling number one’ của ông mà!” Tôi có thể chắc chắn rằng câu nói đó đem lại cho tôi cảm giác được tỏ tình lần đầu tiên. Những lần viết email cho tôi, ông vẫn gọi tôi trìu mến như vậy.
Lần đầu tiên tôi bị “đá”, tôi đã vật vờ suốt một buổi sáng ở nhà ông nội. Buổi trưa đó, ông ăn vận bảnh bao, nói với tôi một câu gì đó nghe rất hệ trọng, đại loại như là “Cháu có thể dùng bữa trưa với ông không?” Chúng tôi đã đi dạo một vòng quanh Hồ Gươm, ông mua tặng tôi một đôi khuyên tai, và chúng tôi ăn Spaghetti Bolognese ngoài trời. Hôm đó là một ngày tháng Mười, trời râm mát và nếu ông tôi đeo kính râm thì thật là ngầu hết sẩy.
Một lần ông chót gọi tôi là “Mày”, tôi đã khóc nức nở. Ông nội rất bối rối và ấp úng, “Ông…ông…có nói gì đâu!” Đó cũng là lần duy nhất ông gọi tôi như vậy.
Tôi đặt Grandpa’s Garden theo ông để huề việc ông bắt tôi làm dịch giả. Tôi không biết dịch, và ông tôi chắc không bao giờ nghĩ đến chuyện tự làm nước hoa xịt thay cho đống nước hoa đầy-cồn-và-quá-đát mà ông tậu được ở chợ đêm.
Khi đọc được những dòng chữ này, tôi mong bạn có thể lên tra từ “nhạc sĩ Xuân Oanh”. Tôi cũng mong có một dịp nào đó tôi sẽ kể cho bạn nhiều hơn về ông nội. Đó là cách để tôi làm ông tôi sống mãi.
Ông nội đưa tôi đi học về, một ngày tháng 9 năm 1994.
Chúng tôi sống tại số nhà 54 Quán Sứ, Hà Nội.
Nó là một căn nhà bé xinh nằm gần cuối một con xóm nhỏ
Nhiều thứ đổi thay, căn nhà còn đó.