Đây là 2 con người rất khác nhau nhưng có chung một đối tượng làm việc, là làn da.
Người điều chế và sản xuất mỹ phẩm giống như ông đầu bếp. Mục đích là tạo ra sản phẩm “ngon lành, đẹp mắt” cho người sử dụng.
Bác sĩ da liễu giống như bác sĩ dinh dưỡng. Họ chữa một chứng bệnh đã có sẵn. Họ hiểu bệnh nhân nào nên ăn gì, kiêng gì.
Để người R&D về mỹ phẩm/chuyên gia chăm sóc da chữa một bệnh da liễu là không phù hợp. Để bác sĩ da liễu nhận xét về mỹ phẩm cũng không phù hợp. Thông thường chuyên môn của bác sĩ da liễu là sử dụng thuốc Tây y nào để chữa bệnh gì.
“Kem trộn”, hay kem dưỡng chứa corticoid, theo như chúng ta được nghe kể, là bắt nguồn từ một số người học dược. Corticoid là nhóm thành phần dược nhưng bị cấm trong mỹ phẩm.
Trong một số cuộc trao đổi với các chuyên gia, GG nhận thấy những người R&D và những người da liễu chia phe rõ rệt về quan điểm. Thậm chí một số người R&D coi rằng những bác sĩ da liễu không biết làm thế nào để duy trì một làn da khoẻ mạnh (bởi họ chỉ tiếp xúc với da bệnh - điều này gần giống với việc nhiều người dân hiện nay không còn tin vào các bác sĩ chuyên kê thuốc kháng sinh, cho rằng bác sĩ như vậy là làm suy yếu hệ miễn dịch).
Ví dụ cụ thể là chuyện của các loại xà phòng rửa tay diệt khuẩn. Cách đây 2 năm, Mỹ ban hành lệnh cấm 19 hoá chất diệt khuẩn trong xà phòng rửa tay, cho rằng những hoá chất này sử dụng để rửa tay bình thường thì sẽ gây ra hiện tượng vi khuẩn trở nên bất trị. Sâu xa hơn, đưa chất diệt khuẩn vào xà phòng hằng ngày chính là một sự can thiệp của các bác sĩ da liễu - một sự can thiệp đối với nhiều chuyên gia chăm sóc da là “không cần thiết” và “nguy hiểm”.
Tất nhiên, với làn da đã có bệnh thì không nên kỳ vọng vào người R&D hay chuyên gia về skincare. Lúc này chỉ bác sĩ da liễu mới có thể giải quyết.
GG đưa ra vấn đề này với mục đích để các bạn hiểu rằng kiến thức về khoa học mỹ phẩm rất mênh mông, và nếu chúng ta muốn tốt về chuyên môn, thì chúng ta cần nhìn vấn đề một cách khách quan và từ nhiều góc độ.