Mỹ phẩm tế bào gốc là một trong những chủ đề gây phấn khích trong vài năm trước. Nhưng còn bây giờ?
Cách đây khoảng 3-5 năm, thuật ngữ mỹ phẩm tế bào gốc gây ra một cơn sốt mạnh mẽ. Các nhà sản xuất tuyên bố đây là một công nghệ đột phá và đưa ra những sản phẩm skincare đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lão hoá. Người tiêu dùng, vốn tò mò trước tất cả những gì lạ lẫm, thì phát sốt lên khi tìm hiểu về cơ chế kỳ diệu của tế bào gốc trên cơ thể. Người ta vội vã mua những lọ kem ứng dụng công nghệ tế bào gốc với mong muốn nó sẽ làm nên phép màu cho những nếp nhăn nơi khóe mắt, làn da khô hay những dấu hiệu lão hoá sớm.
Nhưng chỉ sau vài năm, mỹ phẩm tế bào gốc gần như biến mất. Không, không phải biến mất theo nghĩa đen. Nó vẫn còn nằm trên các kệ bán hàng, vẫn được mua về và sử dụng. Nhưng nó đã biến mất trong những mong đợi, những xôn xao về một “phép màu”. Người ta bỗng thấy lọ kem dưỡng tế bào gốc cũng không quá kỳ ảo hơn những lọ kem dưỡng trước đó hay sau này. Và như một kết quả tất yếu, mỹ phẩm tế bào gốc không còn là từ “nóng” trên môi của những tín đồ làm đẹp.
Hậu quả này liệu có phải là sự phản tác dụng của những thông điệp quảng cáo trên mây với những chiêu trò mập mờ từ nhà sản xuất dễ khiến người tiêu dùng hiểu lầm, và sau đó, là thất vọng?
Rất nhiều phụ nữ tôi gặp đến giờ vẫn có những cách hiểu rất sai lầm về mỹ phẩm tế bào gốc. Một số người vẫn cho là có những tế bào gốc nào đó sống trong lọ mỹ phẩm và khi chúng ta thoa kem lên mặt, số tế bào gốc này sẽ được bổ sung vào da, giúp da tươi trẻ. Một số người khác thì tin rằng lọ kem sẽ kích thích sự phát triển của tế bào gốc trên da bởi một cơ chế vượt trội, giúp chúng ta sở hữu một làn da “như em bé” (tất nhiên, ai cũng hiểu da em bé mềm mịn là bởi sự dồi dào của tế bào gốc).
Có sai lầm gì ở đây?
Tiến sỹ Marko Lens, bác sĩ phẫu thuật và là chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực ung thư da và lão hóa da phát biêủ trên tờ Telegraph: “Công nghệ tế bào gốc được sử dụng trong y học là hoàn toàn khác so với công nghệ tế bào gốc được sử dụng trong mỹ phẩm”. Thực tế, công nghệ tế bào gốc trong mỹ phẩm hoàn toàn không gây tranh cãi (như hàng trăm bài báo đã tranh cãi về nó), cũng không quá ấn tượng như nhiều công ty mỹ phẩm từng cố “đánh bóng” trước người tiêu dùng. Những người làm việc trong ngành này sẽ cười nếu bạn đặt những câu hỏi đại loại như “làm sao tế bào gốc có thể “sống sót” sau hàng loạt quá trình bảo quản và sản xuất, cho đến khi được đóng gói trong một lọ kem skincare?”. Bởi rất đơn giản, hoàn toàn không có tế bào gốc thực sự nào nằm trong các lọ kem hay mỹ phẩm.
Hiểu đúng về tế bào gốc
Hãy xem lại định nghĩa “tế bào gốc” trong các bài học sinh vật: Chúng ta đều biết tế bào gốc giống như một vệ sỹ trong “hệ thống bảo vệ” của cơ thể người. Khi được đưa vào các bộ phận khác nhau, tế bào gốc có thể phân chia không giới hạn để lấp đầy những thiếu hụt tế bào của bộ phận đó chừng nào cơ thể còn sống. Tế bào gốc biểu bì nằm ở lớp đáy của biểu bì trên da, hoặc ở tuyến bã nhờn hay khu vực phình của nang tóc. Những tế bào này quyết định việc sửa chữa và tái tạo da. Tức là nếu chúng hoạt động chăm chỉ, da bạn sẽ đẹp và căng mịn. Ngược lại, nếu chúng lười biếng và mệt mỏi (có thể do đã phải làm việc quá lâu, hoặc do môi trường sống của bạn quá ô nhiễm …), da sẽ nhăn, sạm, mất đi độ đàn hồi. Trong y học, các tế bào gốc của con người được thu hoạch từ các mô và phát triển trong môi trường đặc biệt, sau đó được tiêm vào cơ thể qua các mô.
Có ba điều bạn cần ghi nhớ về các mỹ phẩm tế bào gốc:
- Những tế bào gốc này không phải của con người. Thực tế, phần lớn chúng là tế bào gốc của thực vật.
- Những tế bào này được lấy từ gốc, rễ hoặc thân của cây và chúng chỉ hoạt động đúng chức năng trên cây mẹ. Chẳng có tế bào gốc thực vật nào có khả năng phân chia hay tái sinh trên cơ thể người.
- Khi các nhà sản xuất nói về công nghệ tế bào gốc, thực ra họ đang nói đến các chất chiết xuất từ tế bào gốc của thực vật. Về cơ bản, những chất này không có gì quá khác thường so với các chiết xuất thực vật mà chúng ta thường biết.
“Thực tế này ít khi được trình bày một cách cụ thể và thường bị bỏ qua để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng”, Tiến sỹ Marko Lens nhận xét.
Công nghệ tế bào gốc thực sự là gì?
Trong một bài viết khác, bác sỹ Zoe Diana Draelos (Đại học Dược tại Winston-Salem, North Carolina) cũng có những giải thích tương tự. Cụ thể, quá trình sử dụng tế bào gốc trong mỹ phẩm sẽ diễn ra như sau: tế bào gốc được chiết tách từ cây bởi một quá trình hóa học phức tạp, sau đó đa phần được chuyển sang dạng bột mịn hoặc một chiết xuất có khả năng tan trong nước. Người ta sẽ thêm vào các thành phần chống lão hóa truyền thống khác và thế là kem dưỡng chống lão hóa ra đời. Làn da của chúng ta sẽ được hưởng lợi từ các phân tử hóa học có lợi nằm trong tế bào gốc chứ không phải bản thân tế bào gốc ở dạng “sống” như nhiều người vẫn nghĩ. Như vậy, khi thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Origins tuyên bố có 300.000 tế bào gốc từ quả mâm xôi trong mỗi bình kem chống lão hóa Plantscription SPF 25 Anti-aging cream thì không có nghĩa là 300 000 tế bào này đang sống trong hộp kem mà chúng đã được chiết tách để cho ra các tinh chất tinh túy.
Có nên đặt lòng tin vào mỹ phẩm tế bào gốc?
Từ lâu chúng ta đã không còn lạ gì với hệ thống chiết xuất thực vật được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp: chúng giàu có các phân tử có lợi cho da như polyphenol, polysaccharides, khoáng chất và các axit amin – điều này thì không còn phải tranh cãi. Các chiết xuất truyền thống từ thực vật cung cấp cho da các chất chống oxy hóa, chất dưỡng ẩm, chất làm sáng da, chất sản xuất collagen và thúc đẩy sự tự sửa chữa. Vậy tế bào gốc từ thực vật có gì ưu việt hơn những chiết xuất truyền thống này? Bác sỹ phẫu thuật Stafford R. Broumand (New York) giải thích: “Tế bào gốc thực vật là sự tổng hợp tất cả các lợi ích mà các chiết xuất thực vật mang đến. Chúng có sự tập trung cao về nồng độ các phân tử có lợi”. Như vậy, công nghệ tế bào gốc trong mỹ phẩm chính là đưa nhiều hơn nồng độ tinh chất thực vật vào trong một hộp kem để gia tăng tác dụng của nó.
Hãy lấy ví dụ loại tế bào gốc thực vật đầu tiên xuất hiện phổ biến trong kem dưỡng: tế bào gốc của táo Thụy Sỹ Edelweiss. Loại cây này có thể phát triển ở vùng khí hậu vô cùng khắc nghiệt với lượng nước tối thiểu và nhiệt độ thì đóng băng. Người ta đã tìm ra hàm lượng phong phú các axit leontopodic trong tế bào gốc của táo Edelweiss – một chất chống oxy hóa tự nhiên hoạt động mạnh hơn cả những chất chống lão hóa truyền thống như resveratrol và vitamin C. Như vậy, tế bào gốc Edelweiss được sử dụng trong mỹ phẩm chính vì chất chống oxy hóa quý giá này.
Không nên từ bỏ mỹ phẩm tế bào gốc vì chúng thực sự có lợi cho da theo nhiều cách (dù chúng không hoạt động như bạn nghĩ). Nhưng theo tiến sỹ Marko Lens, ông khuyên người tiêu dùng nên đặt lòng tin vào một thành phần khác trong cuộc chiến chống lại sự lão hoá. Đó là peptide. ” Từ giữa tuổi ba mươi trở đi chúng ta nên tìm kiếm peptide trong các sản phẩm chăm sóc da, không nên trông cậy vào các tế bào gốc”, ông nói.
Peptide là gì? “Đó là những thành phần công nghệ cao có thể bắt chước các chức năng khác nhau của các phân tử tự nhiên trong da của chúng ta”, Lens giải thích.
Nhiều chuỗi axit amin làm việc để tăng cường collagen, trong khi một số thậm chí thực sự có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nếp nhăn. Gần đây, một vài peptide có tác dụng chống nám đã được đưa ra. Cũng theo Marko Lens, “Peptide kích thích tế bào gốc biểu bì của chúng ta và do đó thúc đẩy phục hồi da và tái sinh. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận với sự mong đợi. Chúng ta chỉ có thể khuyến khích khả năng tự đổi mới của da và do đó thúc đẩy tác dụng chống lão hóa nhưng đừng nên mong đợi thay thế các tế bào gốc để chống lại quá trình lão hóa da”.
Marko Lens kết luận: “Trong cuộc chiến chống lão hóa, từ đầu tiên mà tôi tìm kiếm sẽ là peptide, chứ không phải tế bào gốc”.
Nguồn: Style Magazine