Clean label

[CLEAN LABEL: NHÃN SẠCH]

Người tiêu dùng thường không có nhiều kiến thức về sản phẩm. Họ cũng thường coi thiên nhiên đồng nghĩa với việc an toàn. Bởi vậy, một điều ảnh hưởng lớn đến quyết định của họ là bao bì, nhãn mác. Từ đó, ngành FMCG (tiêu dùng nhanh) cho ra đời khái niệm "Clean label".

Nhãn mác được coi là "sạch" khi nó khiến người tiêu dùng có cảm giác rằng đây là sản phẩm thiên nhiên và an toàn. Chẳng hạn, mặt trước (mặt chính) của sản phẩm có những khái niệm như "từ thiên nhiên", "hữu cơ", "không paraben", "an toàn cho da nhạy cảm"... Mặt sau có thể là một danh sách thành phần chứng minh tính thiên nhiên của sản phẩm.

Nếu bạn hiểu sâu về vấn đề điều chế, thì có thể hiểu rằng đây là một chiến lược marketing nhằm đánh vào tâm lý người mua hàng. Ví dụ cụ thể, có một công ty sản xuất ra salicylic acid nhưng đăng ký nó thành 2 sản phẩm. Sản phẩm thứ nhất, họ đăng ký INCI là "salicylic acid", còn với sản phẩm thứ hai họ đăng ký INCI là "wintergreen extract". Người làm trong dược mỹ phẩm sẽ mua "salicylic acid" để làm nổi bật công dụng của sản phẩm, còn người làm mỹ phẩm thiên nhiên sẽ mua "wintergreen extract" bởi vì nó giúp tạo ra một cái "nhãn sạch". Về bản chất, 2 loại này đều cùng là một sản phẩm, không có sự khác biệt gì.

Việc đăng ký một nguyên liệu dưới vài INCI khác nhau là việc bình thường trong giới sản xuất và cung cấp nguyên liệu. Họ cũng không giấu giếm khách hàng (là người sản xuất). Không có gì sai trái ở đây. Như vậy, vấn đề chỉ là nhãn mác mỹ phẩm trong nhiều trường hợp, có thể được điều chỉnh để hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Như vậy, bạn có thể hiểu "clean label" là một phạm trù marketing, quảng cáo.