Ít ai nhận ra nhưng P&G (Procter & Gamble) luôn là một phần trong đời sống chúng ta, từ giặt đồ bằng Tide và Downy, đến vệ sinh với Head & Shoulders, Pantene hay Gillette… Một chuỗi cung ứng khổng lồ đang chạy 24/7 nhằm đưa sản phẩm đến từng ngôi nhà trên khắp thế giới.
Ác mộng "chiếc roi da" – kẻ thù của P&G
Hiệu ứng "chiếc roi da" là hiện tượng thông tin về nhu cầu thị trường cho một sản phẩm bị bóp méo hay khuếch đại qua các khâu chuỗi cung ứng. Thường xảy ra trong ngành hàng tiêu dùng, hiệu ứng này dẫn đến sự dư thừa tồn kho, ảnh hưởng đến chính sách giá và tạo ra phản ánh không chính xác trong nhu cầu thị trường, trở thành một nỗi "ám ảnh" với mọi công ty.
Thông tin nhu cầu không chính xác chuyển tải từ một thành phần trong chuỗi cung ứng đến một thành phần khác có thể dẫn tới lãng phí to lớn: mức độ dự trữ lớn quá mức, dịch vụ khách hàng kém, mất doanh số, kế hoạch sản xuất không chính xác, vận tải không hiệu quả ..
Tuy diễn ra trong mọi ngành nghề khắp thế giới, nhưng chính P&G mới là người công bố rộng rãi nó với tên "Hiệu ứng Roi da" và dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống lại chi phí dư thừa, từ đó "vô tình" trở thành một bậc thầy Chuỗi cung ứng với khả năng quản lý hoàn hảo.
P&G - Lớn tuổi nhưng không "già cỗi"
Được thành lập từ năm 1837, P&G là một trong những tập đoàn "thâm niên" nhất thế giới. Nhưng trong suốt lịch sử phát triển của mình, P&G không bao giờ ngừng đổi mới để giữ vững vị thế hàng đầu. Đặc biệt là trong 30 năm gần đây, chuỗi cung ứng của P&G luôn phát triển song song với những đột phá của thế kỷ công nghệ.
Theo một báo cáo mới đây, P&G là một trong những tập đoàn tiên phong trong cuộc cách mạng "phân tích cấp cao" để giảm thiểu các chi phí hoạt động với thông tin về nhu cầu được lấy trực tiếp từ từng quyết định mua sắm của khách hàng khắp thế giới.
Mô hình "phụ thuộc" vào nhu cầu của P&G luôn phản ứng với hoạt động của khách hàng một cách nhanh nhất, thay đổi cả quy trình sản xuất và mạng lưới vận chuyển để "triệt hạ" hiệu ứng roi da.
Hoàn hảo từ nhà máy đến nhà người dùng
"Khả năng hoạt động hiệu quả của Chuỗi cung ứng đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết," theo Ana Elena Marziano, Phó tổng giám đốc phòng Thu mua quốc tế tại P&G. "Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng sự hoàn hảo không thể đến từ một phía, do đó P&G đã đồng bộ hoạt động của mình với cả nhà cung ứng và khách hàng."
Với doanh thu hàng năm hơn 83 tỷ USD, P&G với hơn 70.000 nhân viên, 130 nhà máy và 70.000 đối tác phải thực hiện một điều tưởng chừng như không thể là hoạt động một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất.
Nhưng chức danh "bậc thầy" của P&G tất nhiên là không phải chỉ là hữu danh vô thực, tập đoàn này luôn nổi tiếng với khả năng kết nối "từ nhà máy đến nhà người dùng" với tốc độ và hiệu quả bỏ xa các đối thủ khác trên thị trường.
Để thực hiện được điều này, P&G đã không ngừng kết nối hệ thống với tất cả đối tác tham gia trong Chuỗi cung ứng, không những làm giảm nguy cơ tồn kho do "roi da" mà còn tăng tốc được thời gian từ sản xuất đến tiêu thụ.
P&G còn tiến xa hơn một bước nữa khi mở ra các không gian làm việc ngay trong tập đoàn của mình cho các đối tác chiến lược. Ngoài ra thì P&G còn liên tục điều phối những nhân sự cấp cao đến tận "tiền tuyến" sản xuất hay bán lẻ nhằm tạo một sự kết nối thông suốt.
P&G còn sở hữu một hệ thống dữ liệu mang tên "Distributor Connect", lưu trữ tất cả thông tin vận chuyển từ khâu nguyên vật liệu đến sản xuất, thành phẩm và chuyển đến tay người dùng. Mọi nhân viên có phận sự đều có thể nhanh chóng truy cập dữ liệu này qua laptop hay điện thoại.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy hệ thống "Distributor Connect" đã cải thiện hiệu quả làm việc của vô số phòng ban, giảm thiểu số lượng tồn kho và giúp quá trình vận tải hiệu quả hơn đến 15%.
P&G còn tạo hẳn một ứng dụng điện thoại cung cấp khả năng kiểm tra tình trạng tồn kho và lên kế hoạch đặt hàng. Ứng dụng tên GDSN (Hệ thống Đồng bộ Dữ liệu Toàn cầu) cho phép các hoạt động đặt hàng được diễn ra tự động 100% mà không cần sự can thiệp của con người. Không chỉ nhanh mà hệ thống GDSN còn loại bỏ được nguy cơ sai sót "đánh máy" cho cả nhà bán lẻ và P&G.
Với những cải tiến trên, P&G hiện đang hướng tới khả năng hoàn thành hơn 80% đơn hàng chỉ trong vòng 24 giờ, và tập đoàn này đã tự hào tiết kiệm tới 1,6 tỷ USD chỉ trong năm 2016 nhờ vào Chuỗi cung ứng của mình.
Mở rộng sự hoàn hảo
Chiến thuật kiểm soát "từ nhà máy đến nhà dân" của P&G đã đưa tên tuổi của tập đoàn này lên hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, P&G không hề ngủ quên trên chiến thắng mà còn mở rộng sự linh hoạt của Chuỗi cung ứng đến "tận gốc": Khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Để thực hiện điều này, P&G đã trở thành một nhà tiên phong trong thời đại 4.0:
- Với sự hỗ trợ của Dữ liệu lớn, rất nhiều dự báo về nhu cầu thị trường hiện nay được nhanh chóng hoàn tất mà không cần trải qua khâu khảo sát người dùng vừa lâu vừa tốn kém.
- Trí tuệ nhân tạo còn hỗ trợ P&G tạo ra hàng loạt người dùng "ảo" tượng trưng cho thị trường, qua đó có thể rút ngắn thời gian thử nghiệm sản phẩm mới. Công nghệ 4.0 đã và đang giúp P&G giảm được số lượng hàng tồn kho, đưa ra các dự đoán chính xác về nhu cầu thị trường và đem lại ngày càng nhiều giá trị cho khách hàng.
- Kết nối trực tiếp với khách hàng: Mở rộng hơn nữa, P&G còn thử nghiệm nhiều cách phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng, tăng tốc phục vụ khách hàng và giảm chi phí trung gian.
Kết luận
Trong một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, khi mà nhu cầu khách hàng thay đổi xoành xoạch và sự ra đời của vô vàn sản phẩm mới làm tiêu tan không biết bao công sức nghiên cứu và phát triển. P&G với vị thế dẫn đầu của mình luôn nỗ lực biến Chuỗi cung ứng ngày càng "gọn nhẹ", hiệu quả và gần khách hàng hơn bao giờ hết, xứng đáng với danh hiệu "bậc thầy" của Chuỗi cung ứng nói riêng và cả ngành hàng tiêu dùng nói chung.