Có phải cứ "khoa học" là đúng?

Theo chia sẻ của chị Thư (giám đốc của Grandpa's Garden):

"Mình tham gia vào ngành mỹ phẩm từ một người không biết gì về mỹ phẩm. Những thông tin mình học được ban đầu là những kiến thức ở trên mạng. Càng đào sâu vào những kiến thức, mình càng thấy thông tin trên mạng thật là sai lệch và nhũng nhiễu.

Điều may mắn của mình là mình tiếp cận với khoa học mỹ phẩm tương đối sớm, bởi vậy mình dễ có thể tiếp cận với những người làm khoa học đích thực. Mình nghĩ thông tin khoa học của mình là tương đối khách quan và ít bị sai lệch.

Nhưng điều đó không có nghĩa là những người khác có thể dễ bề tiếp cận với khoa học khách quan. Nhất là hiện nay, khi các trang mạng xã hội bùng nổ, ai cũng có thể share, có thể viết một cái gì đó tưởng chừng rất "khoa học" nhưng thực ra là phản khoa học. Chẳng hạn như nhỏ sữa mẹ vào mắt để trị bệnh về mắt vì sữa mẹ là một nguồn kháng sinh tự nhiên. Nghe có vẻ có lý, nhưng đã có ít nhất 2 trẻ em mình biết đã mù mắt vì kiểu khoa học này.

Thực ra, để tiếp cận với khoa học khách quan, điều quan trọng nhất là chúng ta có được một lối tư duy phản biện. Tiếp theo, chúng ta muốn đi sâu vào ngành nào, chúng ta sẽ cần xây dựng một nền tảng kiến thức "xương sống" cho ngành đó. Xương cốt không tốt, có đắp thêm thịt thì cơ thể sẽ gục xuống, chứ không thể khỏe hơn. Vì vậy, trước khi bạn định đắp thêm thịt, hãy thử xem xương sống của mình đã đủ vững chưa nhé.

Hôm vừa rồi, mình đọc được một bài phỏng vấn của Cosmetics Design với bà Francine Lamoriello, chuyên gia chiến lược toàn cầu của Hội đồng sản phẩm chăm sóc cá nhân (Personal Care Products Council). Vì rất tâm đắc, nên mình sẽ dịch ở dưới.

---

[LẠM DỤNG KHOA HỌC]

Có lẽ thách thức lớn nhất của ngành chăm sóc cá nhân (personal care) là lạm dụng khoa học, hay sử dụng khoa học vì lợi ích riêng, do đó thông tin khoa học này không còn đúng đắn, khách quan nữa.

Những thông tin khoa học kiểu này được chia sẻ nhiều và nhanh trên mạng xã hội, khiến cho những thông tin khoa học khách quan thực sự rất chật vật mới có thể chạm được đến người tiêu dùng.

Tôi tin rằng những người ra quy định về mỹ phẩm trên thế giới hiểu rằng mỹ phẩm nằm trong số những sản phẩm tiêu dùng an toàn nhất, và ngành công nghiệp mỹ phẩm đã làm tốt nhất để bảo đảm tính an toàn của sản phẩm – từ nhiều thập kỷ nay.

Tuy vậy, áp lực dư luận từ nhiều nơi đã khiến chúng ta mất đi một số những nguyên liệu có lịch sử sử dụng an toàn từ lâu nay. Áp lực này buộc những người điều chế mỹ phẩm và người thiết lập quy định mỹ phẩm phải thay đổi quyết định của họ để làm hài lòng dư luận. Ví dụ các loại chất bảo quản, như parabens, đây là những chất đã được sử dụng một cách an toàn trong mỹ phẩm và thực phẩm qua hàng thập kỷ.
Ngành công nghiệp mỹ phẩm cần tham gia tích cực vào việc giáo dục thị trường cũng như các bên liên quan về các nguyên lý khoa học cơ bản đằng sau sự an toàn của sản phẩm. Chúng ta cần giúp người tiêu dùng “vượt qua đám đông ồn ào” để có góc nhìn về thông tin một cách có phản biện.

Người tiêu dùng có quyền được biết sản phẩm của họ chứa những gì, nhưng họ cũng có quyền được hiểu rõ lý do.