"Chất bảo quản" sử dụng hay không sử dụng?

Đây là một trong những vấn đề lớn nhất, thách thức lớn nhất của những người điều chế mỹ phẩm - không chỉ là người tay ngang, mà cả các nhà khoa học đầu ngành. Bởi nói về bảo quản là chúng ta đang nói về diễn biến của vi sinh vật - là những sinh vật sống, mà chúng ta không thể nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy, nếm thấy.

Grandpa's Garden đã tham gia nhiều triển lãm, hội thảo quốc tế về sản xuất mỹ phẩm với tư cách là nhà điều chế, lần nào cũng được nghe cập nhật về vấn đề chất bảo quản. Giống như khoa học cứ phải chạy theo vi sinh vật mãi mà không kịp.

Rất nhiều bạn đã hỏi là "em làm kem dưỡng, thì em phải dùng chất bảo quản nào?", hay "chất A cho vào lotion thì có được không, hạn sử dụng sẽ dài đến bao lâu?" v.v... Những điều này, phải nói là không có cơ sở gì để khẳng định chính xác cả. Nếu trả lời thì giống như ăn ốc nói mò.

Dưới đây, Grandpa's Garden sẽ liệt kê một số vấn đề khiến lựa chọn chất bảo quản trở thành một bài toán rất phức tạp.

1. Người ta chọn một chất bảo quản như thế nào?
(Phần này có trong khóa học của Grandpa's Garden)

2. Thay đổi bất cứ điều gì trong công thức gốc cũng khiến vấn đề bảo quản thay đổi.
(Công thức gốc bao gồm những gì: thành phần, nguồn gốc thành phần, tỉ lệ thành phần, máy móc trang thiết bị, quy trình sản xuất). 
- Lưu ý rằng anh đổi chiết xuất lô hội của nguồn A sang chiết xuất lô hội của nguồn B cũng là thay đổi công thức gốc; hay chiết xuất đó đang từ 1% cho lên 3% cũng là thay đổi công thức gốc, hay trước anh sản xuất quy mô 5 hũ kem, nay anh sản xuất quy mô 100 hũ kem khiến anh phải thay máy đánh kem cũng là thay đổi công thức gốc => anh phải kiểm tra xem chất bảo quản anh đang dùng có còn tương thích với công thức gốc mới hay không

3. Thay đổi thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng làm phức tạp hóa vấn đề bảo quản
Nhiều người dùng kem (ví dụ là) L'Occitane ở Pháp thì không sao nhưng mang về VN dùng thì lại lên mụn. Một trong những nguyên nhân là chiến lược bảo quản của sản phẩm đó KHÔNG PHÙ HỢP với môi trường Việt Nam. Việt Nam và Pháp là hai khí hậu khác nhau, với những loài vi sinh vật khác nhau, các nhà điều chế mỹ phẩm ở Pháp không thể biết trong môi trường Việt có những loài vi khuẩn nào và khả năng sống sót và sinh nở của những loài đấy trong kem dưỡng mà họ làm ở Pháp. (Bởi vậy, với những nhãn hàng ngoại nhập, đặc biệt những sản phẩm quảng cáo là lành tính và có hệ bảo quản yếu, nếu bạn nhập về thì nên bán liền tay, đừng để tồn hàng lâu, chất bảo quản có thể suy yếu nhanh gây ra các hiện tượng kích ứng hoặc lên mụn ở người tiêu dùng)

4. Vấn đề luật pháp đang diễn biến căng thẳng: các chính phủ ngày càng khó phê duyệt những thành phần mới nhưng ngày càng khắt khe hơn đối với các chất bảo quản cũ. Ví dụ, hiện tại nhiều nước ban hành lệnh cấm thí nghiệm trên động vật nhưng chưa đưa ra được các giải pháp thí nghiệm thay thế. Điều này khiến cho rất nhiều chất đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần như không thể chứng minh tính an toàn. Khi không có đủ dữ liệu an toàn, những chất này không thể được đưa vào danh sách thành phần mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, các chính phủ lại ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế đối với những chất bảo quản vốn đã được sử dụng qua nhiều thập kỷ, chẳng hạn 5 loại paraben. Tất cả những điều này khiến cho danh sách các chất bảo quản được đưa vào mỹ phẩm ngày càng trở nên eo hẹp.

Trong khi ấy, xu hướng thị trường thì luôn đòi hỏi những điều mới trong skincare, chẳng hạn thành phần siêu dưỡng siêu đột phá, thành phần tạo cảm giác sung sướng trên da... với những yêu cầu ấy, các nhãn hàng buộc phải tung ra những sản phẩm chứa các thành phần mới. Tuy nhiên, mới nhất chưa chắc là tốt nhất. Đặc biệt là khi các nhãn hàng không cho nhà điều chế của họ thời gian để nghiên cứu về chiến lược bảo quản phù hợp cho những công thức mới. Trong trường hợp đẩy sản phẩm ra quá nhanh, thì những công thức mới/đột phá lại gây kích ứng cho da chính bởi vấn đề vi sinh vật (hoặc là chiến lược bảo quản yếu so với sự phát triển của vi sinh vật, hoặc là chiến lược bảo quản quá gắt so với da).